Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
(CMO) Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện diễn biến phức tạp trên cả nước. Riêng tại Cà Mau, đáng quan tâm là tỉnh vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do SXH sau nhiều năm liền không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Đây cũng là lời cảnh báo đối với người dân, không được chủ quan trước dịch SXH cũng như những biến chứng của dịch bệnh đối với người lớn.
Ca tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh vừa được ghi nhận vào ngày 6/8 mới đây. Đó là trường hợp bệnh nhân P.H.N, nữ, 28 tuổi, ngụ tại khóm 3, Phường 9, TP Cà Mau.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân N nhập viện vào ngày 31/7/2022 trong tình trạng sốt, đau đầu, đau cơ, được chẩn đoán, theo dõi SXH Dengue ngày 1. Sau đó, trong 4 ngày theo dõi điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân N ghi nhận tỉnh, tiếp xúc được, huyết áp 110/60 mmHg, nhưng sốt cao liên tục, nôn ói nhiều lần, đau bụng âm ỉ, bầm nơi tiêm chích. Bệnh nhân được chẩn đoán SXH Dengue N4 có dấu hiệu cảnh báo, chuyển khoa Truyền nhiễm. Tuy nhiên, đến ngày thứ 6, chẩn đoán SXH Dengue nặng, suy tạng (suy gan cấp, men gan tăng trên 5.000), bệnh nhân được hội chẩn khẩn cùng Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực -chống độc và hội chẩn trực tuyến cùng bác sĩ Bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, thống nhất chẩn đoán và chuyển tuyến Bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh lúc 14 giờ 30 phút ngày 5/8/2022. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển tuyến, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Bác sĩ khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Đối với bệnh SXH, từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 9, diễn tiến của bệnh có thể dẫn tới suy gan, tăng men gan. Bệnh nhân N nằm trong trường hợp này. Sau hội chẩn, Bênh viện Nhiệt Đới đồng ý chuyển ca bệnh để thay huyết tương lọc máu. Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thì bệnh nhân diễn biến nặng hơn. Tại đây, do bệnh diễn biến quá nhanh, đội ngũ y bác sĩ cũng đã giải thích tình trạng bệnh, được người nhà ký hồ sơ xin về”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng, diễn biến của bệnh SXH như trường hợp của bệnh nhân N ở Bệnh viện Nhiệt Đới khá nhiều, riêng ở tỉnh Cà Mau cũng có xuất hiện thể bệnh này nhưng tỷ lệ thấp.
“Riêng đối với bệnh nhân N, bệnh nhân hơi thừa cân, sau mắc Covid-19 7 ngày, đó là những yếu tố nguy cơ làm nặng hơn tình trạng bệnh. Mặc dù điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, lúc chuyển viện vẫn có dấu hiệu sinh tồn đảm bảo, huyết áp, hô hấp ổn định, chỉ khó thở nhẹ, song diễn biến bệnh quá nhanh, trong đó, suy gan tố cấp là nguy nhân gây tử vong”, Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng cho biết thêm.
Trước tình hình ghi nhận ca tử vong do SXH ở người lớn, Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng chia sẻ: “Trước nay người dân cứ quan niệm rằng SXH chỉ là bệnh ở trẻ em, chứ không phải ở người lớn nên có sự chủ quan. Hiện nay, tỷ lệ ca mắc SXH ở người lớn có khuynh hướng tăng hơn trẻ em. SXH ở người lớn sẽ nguy hiểm nhiều hơn ở trẻ em, bởi khi bị bệnh SXH, người lớn có nhiều yếu tố nguy cơ hơn, đặc biệt là khi có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch,.. càng làm bệnh SXH diễn biến nặng hơn. Trong đó, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt bị SXH cũng sẽ nặng hơn”.
Bác sĩ Lăng cũng chỉ rõ thực tế, người lớn khi bị sốt thường không đến các cơ sở y tế khám kịp thời, mà chủ yếu đi đến các phòng khám tư. Đây là những thói quen không tốt. Thường là đến khám tư sẽ được tiêm thuốc, truyền dịch. Tuy nhiên, đối với bệnh SXH, không được tiêm thuốc bừa bãi, bởi dễ xuất huyết vùng tiêm, gây rối loạn đông máu; bệnh SXH khi có chỉ định mới được truyền dịch.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. |
“Thông thường có sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, có một trong các triệu chứng sau: đau bụng, nôn ói, dấu xuất huyết dưới da, có dấu hiệu chảy máu chân răng, máu mũi, đau cơ, đau hốc mắt,… đó là những dấu hiệu đầu tiên nhận biết của SXH”, Bác sĩ Lăng hướng dẫn.